Những điều yêu và không yêu khi du lịch Sapa

Nhiều người nói Sapa ngày càng bị thương mại hóa không còn giữ nguyên được những nét đặc trưng quyến rũ cổ xưa nhưng dân du lịch vẫn say mê với nơi này, say mê với những cảnh vật và khí hậu tuyệt vời nơi đây.

Ai đã từng đặt chân đến Sapa đều muốn có ngày quay lại. Sapa gần giống với Đà Lạt về khí hậu nhưng con người và phong cảnh nơi đây thì hoàn toàn khác.

Cuối tháng 4, đầu tháng 5 là những tháng xấu nhất trong năm của Sapa, những thửa ruộng bậc thang chỉ có màu của đất và nước, không có gì ấn tượng. Nhưng bù lại nơi đây có những cô bé H’Mông cực xinh xắn, đáng yêu mặc trên người những trang phục thổ cẩm thêu hoa văn muôn sắc muôn màu cùng với sự hiếu khách lại rất ấn tượng.

Vào mùa đông thì Sapa đẹp đến vô cùng, đẹp đến ngỡ ngàng. Đi trong sương của Sapa, hai người cách 3 m có khi không nhìn thấy nhau. Mùa đông ở Sapa rất lạnh, nhiệt độ ban đêm có thể xuống 0 độ C, buốt căm căm khi lái xe máy qua các con đường quanh co, ngoằn nghèo, bên trái là vách núi, bên phải là một biển mây, phía dưới là khu vực thẳm.

Sapa có 4 mùa trong một ngày. Buổi sáng trời se lạnh, buổi trưa trời nắng đẹp. Bạn sẽ cảm thấy thật thú vị khi trước lúc bước vào hàng ăn thì sương che kín không nhìn thấy mặt nhau, vậy mà khi ăn xong bước ra trời nắng trong, và rồi quay qua quay lại sương lại phủ kín mặt đường.

Ngay tại trung tâm thị trấn Sapa, bạn sẽ thấy có rất nhiều người dân tộc H’Mông đen và Dao đỏ qua lại, nhưng phần lớn hầu như là tất cả các khách sạn, hàng quán, nhà cửa của thị trấn thì đều là người Kinh sở hữu, chỉ một số rất nhỏ là thuộc sở hữu của những ông chủ Tây yêu thích môi trường sống ở đây và định cư kiếm sống bằng kinh doanh nhà hàng Tây hay mở quán bar.

Các cô gái H’Mông ở đây đều nói chuyện và giao lưu bằng tiếng Anh khá lưu loát, ngay cả những bà lão cũng có thể trò chuyện mua bán thoải mái với khách du lịch nước ngoài. Đến đây, bạn sẽ thấy hình ảnh bà lão tay cặm cuị thêu, chốc chốc lại ngước lên mời khách “two dollas” với một cái túi thổ cẩm xinh xinh, hoặc “one dollar one photo” với những khách du lịch nào chụp hình bà. Ngộ nghĩnh nhất là khi bà rút điện thoại ra nói liên tục bằng tiếng dân tộc với môt ai đó. Những điều này có thể là điều tốt, cuộc sống của họ có thể được cải thiện hơn. Nhưng việc chụp hình phải trả tiền hay là bán đồ nói thách giá thì rõ ràng chỉ có du lịch mới làm họ biến đổi như vậy. Bây giờ, Sapa ngập tràn đồ lưu niệm Trung Quốc, chỉ một số ít những mặt hàng mới là hàng được làm thủ công. Trên đường phố ở Sapa thỉnh thoảng bạn có thể bắt gặp vài cậu bé lai, bố người Tây, mẹ người dân tộc và tất nhiên bố của những đứa bé đó không biết là ai. Du lịch đã làm Sapa thịnh vượng hơn nhưng đã không ít cuộc đời bị đánh đổi.Và cái giá phải trả thì chỉ những con người nơi đây mới có thể hiểu được.

Sapa với những điều yêu và không yêu, nhưng khách du lịch vẫn yêu Sapa vì những điều nó mang lại, cảnh sắc, con người. Và du lịch Sapa vẫn là một địa điểm du lịch lý tưởng.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục: