Lăng Minh Mạng, biểu tượng về thành tựu của xã hội Việt Nam thời bấy giờ

Lăng Minh Mạng hay còn được gọi là Hiếu Lăng, được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành, huy động tới mười nghìn thợ và lính. Nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km, Lăng Minh Mạng là nơi thu hút khách du lịch Huế nhiều nhất sau Lăng Tự Đức.

lang-minh-mang-hieu-lang

Một cuộc đời lừng lẫy hay bình lặng cuối cùng con  người cũng trở về với cát bụi. Ngoài tiếng tăm công đức còn có lăng mộ. Với quan niệm chết chưa phải là hết, người xưa đặc biệt là các vị vua chúa nhà Nguyễn luôn quan tâm kiến tạo khu lăng mộ của mình thành những công trình đẹp đẽ, sống động, thể hiện quyền lực, tính cách của chủ nhân. Lăng tẩm của những vua chúa nhà Nguyễn ở Huế là những công trình tuyệt tác về sự hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc, có giá trị khơi dậy trong cảm xúc khách quan một âm vang đặc biệt, đến với Huế, du lịch Huế, bạn chẳng thể ngăn đôi chân mình khám phá những kiệt tác này. Và Lăng Minh Mạng là một trong những công trình như thế.

Đôi nét về vua Minh Mạng

Vua Minh Mạng (vị vua thứ 2 của triều Nguyễn) tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Là một người hiếu học, thông minh, tinh thâm võ nghệ và văn chương. Trong 20 năm trị vì, từ năm 1820 đến năm 1840, vua Minh Mạng thực sự là một kiến trúc sư đã kiến tạo nên một thời thịnh trị nhất của vương triều nhà Nguyễn. Khu lăng tẩm của ông được xem là một mô hình thu nhỏ để chúng ta hình dung về thành tựu của xã hội Việt Nam thời ấy cũng như tính cách của vị vua này.

Thăm Lăng Minh Mạng

Lăng Minh Mạng là quần thể kiến trúc gồm hơn 40 công trình kiến trúc lớn nhỏ, lớn nhỏ bao gồm cung điện, lâu đài, đình tạ, được bố trí đăng đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo xuyên qua một loạt các công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng). Khu lăng có chiều sâu, từ Đại Hồng Môn đến điểm tận cùng của La thành cách nhau đến 700 mét. Vòng La thành tuy cao nhưng không hạn chế tầm nhìn từ trong lăng ra đến vùng núi non đẹp đẽ ở bên ngoài, cảnh vật in bóng xuống hồ Trừng Minh trông như bức tranh thủy mặc. Ở phần trước lăng, mật độ kiến trúc thưa, thoáng, càng vào sâu, kiến trúc càng dày. Ngoài tính cách đăng đối uy nghiêm đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được chỉnh trang lại để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc.

Lang-minh-mang-hieu-lang

Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao, gần 60 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi đình, Hiển đức môn, điện Sùng An và Minh Lâu cũng là những tuyệt tác giá trị – một bảo tàng thơ chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ XIX…

Thăm quan Lăng Minh Mạng, du khách ngỡ mình lạc vào không gian của hội họa, thi ca và triết học. Đến với Hiếu Lăng là du khách đến với một mô thức xây dựng truyền thống của Huế,  ở đó cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc hòa quyện cho ta cảm giác đây là một khu vườn tuyệt đẹp của người sống hơn là khu lăng mộ của người đã mất.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục: